Cúc áo
Trẻ nhỏ rất hiếu động, vậy nên nếu trẻ phát hiện trên sàn nhỏ một chiếc cúc áo nhỏ nhắn xinh xinh bị rớt xuống, ngay lập tức chúng sẽ để vào miệng để “thưởng thức” mà không hề biết rằng cúc áo là một trong những nguyên nhân gây nghẹt thở lớn. Vậy nên khi trẻ còn nhỏ, các mẹ nên chọn những bộ quần áo chun, chui đầu, co dãn và không có cúc. Hoặc trong trường hợp chọn quần áo có cúc thì bố mẹ nhớ đảm bảo rằng các nút trên quần áo được may một cách an toàn.
Nho
Nho là một loại trái cây rất ngọt ngào và có sức hấp dẫn với trẻ nhỏ. Quả nho tuy nhỏ nhưng đủ lớn để chặn đường thở của trẻ và bề mặt vỏ trơn nhẵn của quả nho có thể tạo thành một vòng kín, ngăn không khí lưu thông. Ngoài quả, hạt nho cũng có thể làm chặn đường thở của các bé dưới 2 tuổi. Đã có bé chết ngạt vì hóc hạt nho rồi đấy! Các mẹ cẩn thận nha!
Tiền xu
Tiền xu tròn và nhỏ, có âm thanh rất vui tai nếu như chúng va đập vào nhau, vì những lý do này nên chúng rất có sức hấp dẫn với trẻ nhỏ. Nếu chúng chẳng may nuốt phải, thì một số may mắn không sao do tiền xu được đào thải qua đường phân. Tuy nhiên, tiền xu có thể bị mắc kẹt trong thực quản, dạ dày, ruột gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn.
Đặc biết, nếu đồng xu bị mắc kẹt trong ruột, nó thậm chí có thể làm rách thành ruột. Thông thường khi đến bệnh viện, đồng xu có thể được lấy ra bằng ống thông hoặc nội soi, nhưng có trường hợp nghiêm trọng cần phải được phẫu thuật. Vì vậy, hãy để những đồng xu xa khỏi tầm tay trẻ.
Kẹo cứng
Kẹo cứng có thể có hương vị thơm, ngon lạ thường khiến các bé không thể cưỡng lại được nhưng đó cũng là một trong những nguy cơ nghẹt thở phổ biến nhất ở trẻ em. Những viên kẹo cứng thường có hình tròn và đủ lớn để chặn hoàn toàn đường hô hấp, đồng thời chúng cũng có khuynh hướng dính chặt khi tiếp xúc với nước bọt.
Ngoài mục đích không cho trẻ nhỏ ăn kẹo để giảm thiểu sâu răng thì nếu cho con ăn kẹo, bố mẹ cũng nên giám sát trông chừng con một cách chặt chẽ. Trong khi trẻ ăn kẹo, bố mẹ nhớ nhắc nhở con không được chạy nhảy hoặc ăn kẹo trong lúc nằm.
Pin nút
Pin có thể chặn ngay đường hô hấp khi trẻ vô tình nuốt phải. Bên cạnh đó, pin có chứa các hóa chất mạnh có thể đốt cháy thực quản và thành dạ dày gây thương tích nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Nếu cho con chơi đồ chơi có pin, hãy đảm bảo rằng pin được vặn chặt an toàn bên trong và để xa tầm tay trẻ. Bố mẹ không nên cho trẻ nghịch những thiết bị có dùng pin như đèn pin, điều khiển từ xa...
Nhân đây em cũng nói luôn về cách sơ cứu khi bé bị hóc dị vật để các mẹ tham khảo nhé:
Với trẻ dưới 2 tuổi: Phát hiện trẻ hóc dị vật cần lập tức cho trẻ nằm sấp dọc trên 1 tay của người lớn (nếu trẻ nặng đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ nhiều (chỗ giữa hai xương bả vai), khoảng 5 cái để kích thích ho, dị vật bắn ra theo đường ho.
Sau khi làm xong, nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Với trẻ trên 2 tuổi: có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich).
Trường hợp còn tỉnh: Để cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa ho dị vật ra có thể lặp lại.
Nếu hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống trẻ nhỏ bị hôn mê và không thở được, trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được cần kết hợp hà hơi thổi ngạt và dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân thấy đỡ, tỉnh táo hơn trong khi chờ đợi xe cấp cứu tới.
Xem thêm bài viết liên quan tại đây:
Xem thêm clip:
Bài viết liên quan: